Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, nếu thực hiện việc tuyển dụng, ký hợp đồng làm việc theo đúng quy định của pháp luật về viên chức thì đối tượng này được xác định là viên chức và việc bổ nhiệm viên chức quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập này được thực hiện theo các quy định của pháp luật về viên chức.

Tại Sở nơi ông Nguyễn Bình Thuận (Hà Giang) công tác có một đơn vị sự nghiệp công lập (do UBND tỉnh quyết định thành lập) nhưng không được giao chỉ tiêu số lượng người làm việc, tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư.

Khi đơn vị này được thành lập, do không được giao biên chế sự nghiệp nên Sở đã xem xét bổ nhiệm một lao động giữ chức vụ Phó Giám đốc (đang hợp đồng tại một ban quản lý cũng tự chủ, không nằm trong biên chế) có trình độ chuyên môn đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện như của một viên chức lãnh đạo.

Ông Thuận hỏi, Sở bổ nhiệm một lãnh đạo đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về kinh phí có đúng không? Cần áp dụng theo các văn bản quy định, hướng dẫn hay cần vận dụng theo các văn bản nào để có thể bổ nhiệm được giám đốc đơn vị sự nghiệp này cho đúng quy định?

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Theo quy định của Luật Viên chức thì viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập (không phân biệt giữa đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ và đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Do vậy, đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, nếu thực hiện việc tuyển dụng, ký hợp đồng làm việc theo đúng quy định của pháp luật về viên chức thì đối tượng này được xác định là viên chức và việc bổ nhiệm viên chức quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập này được thực hiện theo các quy định của pháp luật về viên chức.

Theo Chinhphu.vn