Đây là ý kiến trong dự thảo báo cáo trình Chính phủ về điều chỉnh lương tối thiểu vùng, do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và đang xin ý kiến nhiều bộ, ban ngành.
15 lần điều chỉnh từ ngày 1/1
Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ dịp đầu năm 2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị xem xét thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2021 và các năm sau sẽ áp dụng vào ngày 1/7, thay vì ngày 1/1 như hiện nay.
Lý giải trong dự thảo báo cáo Chính phủ về điều chỉnh lương tối thiểu 2021 mới được công bố, Bộ LĐ-TB&XH bảo vệ quan điểm điều chỉnh lương tối thiểu vào ngày 1/1 với những căn cứ thực tế.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm tài chính của Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào ngày 31/12. Theo đó, việc Việt Nam lựa chọn thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vào thời điểm 1/1 như hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đó, về quy định pháp luật, Bộ Luật Lao động hiện hành không ấn định không quy định cụ thể thời điểm tăng lương mà chỉ nêu các quy định cụ thể làm căn cứ để tăng lương.
Khi các yếu tố quy định cụ thể thay đổi, Chính phủ sẽ căn cứ thời điểm thích hợp để điều chỉnh lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia.
Trong thực tế, từ năm 2000, Việt Nam đã 18 lần điều chỉnh lương tối thiểu nói chung, trong đó: 15 lần điều chỉnh vào ngày 1/1, 3 lần điều chỉnh vào tháng 10 với những lý do để phù hợp với ngân sách hoặc "kéo giãn" sức ép cho doanh nghiệp.
Cũng theo phân tích từ Bộ LĐ-TB&XH, nếu so sánh với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), việc điều chỉnh lương tối thiểu không có tác động đáng kể hoặc tác động không rõ ràng tới CPI. Có lẽ bởi việc tăng lương tối thiểu chỉ áp dụng cho nhóm lao động ở khu vực doanh nghiệp và làm điều chỉnh mức lương "sàn" để tính đóng BHXH chứ không tác động nhiều tới tổng thu nhập của người lao động.
Chuyển sang ngày 1/7: Hợp lý?
Trong dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH cũng lo ngại việc chuyển thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/1 sang ngày 1/7 sẽ khiến doanh nghiệp thay đổi việc cân đối các nguồn lực. Các kế hoạch tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
Đặc biệt với các doanh nghiệp FDI, việc điều chỉnh kế hoạch phải xin ý kiến công ty mẹ. Trong khi đó, đa số các công ty mẹ đều có năm tài chính trùng với năm dương lịch của Việt Nam.
Về quan hệ lao động, thời điểm Tết dương lịch và Tết âm lịch, doanh nghiệp đều có chính sách lương, thưởng gắn với toàn bộ kết quả sản xuất kinh doanh.
Thời điểm 1/1 hàng năm, người sử dụng lao động và công đoàn, người lao động đều tổ chức thương lương để xác lập các điều kiện lao động và đãi ngộ mới. Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nếu chuyển sang 1/7, doanh nghiệp và người lao động có thể phải tổ chức nhiều lần thương lượng để thay đổi các chính sách khác nhau về lương tối thiểu, thưởng tết, hợp đồng lao động…
Đặc biệt ở thời điểm 1/1, các doanh nghiệp thường đưa ra chế độ tăng lương, cải thiện chế độ để thu hút giữ chân người lao động. Điều này dễ nhận thấy ở các khu công nghiệp có đông người lao động. Bởi vậy, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vào tháng 1 sẽ giúp doanh nghiệp tăng chế độ đãi ngộ, qua đó khuyến khích người lao động vào làm việc và đảm bảo cung cầu lao động…
Vẫn áp dụng mức lương tối thiểu từ năm 2020
Được biết, lương tối thiểu vùng hiện đang áp dụng mức quy định theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 1/1/2020, mức lương tối thiểu từ vùng 1 - 4 dao động từ 3.070.000 - 4.420.000 đồng/tháng. Mức này tăng thêm từ 150.000 đồng - 240.000 đồng so với mức áp dụng trong năm 2019.
Do tình hình khó khăn do Covid-19 gây ra, tháng 8/2020, Hội đồng tiền lương quốc gia đã kiến nghị Chính phủ giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng năm 2020 để áp dụng cho năm 2021 và đã được chấp thuận.