Năm đóng ngắn nhưng... giữ được lương hưu
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo 38 tuổi (quê ở Thường Tín, Hà Nội), làm việc tại một công ty hoạt động về lĩnh vực xuất nhập khẩu. Hơn 13 năm làm cho công ty cũng khoảng thời gian chị tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Tâm sự với PV, chị Nguyễn Thị Phương Thảo nói: "Năm 2020, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc của tôi. Thu nhập giảm mạnh, tôi đang tính chuyển sang một công việc khác. Áp lực về kinh tế, khiến tôi nhiều lần muốn rút BHXH một lần để trang trải cho cuộc sống".
Tuy nhiên làm ở vị trí kế toán với mức lương 7 triệu đồng/tháng và chưa có nhiều tích lũy, chị cũng mong muốn có sổ hưu để làm chỗ dựa khi về già.
Mấy tháng nay, chị Nguyễn Thị Phương Thảo đang lưỡng lự giữa việc đóng BHXH thêm 8 năm nữa để có lương hưu và hay là rút BHXH một lần ngay lúc này.
"Chính vì vậy, đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH còn 15 - 10 năm để có lương hưu là rất hợp lý. Nếu được thông qua, tới đây, tôi sẽ chỉ cần cố gắng thêm 1 thời gian ngắn để về già có một khoản để trang trải hàng tháng" - chị Nguyễn Thị Phương Thảo bày tỏ.
Cũng đang băn khoăn về khoản tiền đóng BHXH, chị Lê Thị Hoạt chia sẻ: "Đang trong thời kỳ khó khăn về kinh tế, khi phải nuôi con học đại học, tôi đã bàn với chồng về việc rút BHXH một lần".
Làm công nhân tại một nhà máy sản xuất thiết bị điện ở Thanh Xuân, Hà Nội, anh Nguyễn Trọng Đức chia sẻ: "Hầu hết, công nhân chúng tôi đều mong muốn có lương hưu. Đến khi về già mà không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội, không may bị mắc bệnh có khi không có tiền chữa trị vì làm công nhân chỉ đủ ăn, không có tiền tích lũy".
Chị Lê Thị Hoạt năm nay đã 43 tuổi và đang làm việc tại một công ty vận tải trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Chị bị mất việc do công ty cắt giảm nhân sự.
Theo chị Lê Thị Hoạt, nếu không quay lại thị trường lao động trong khu vực chính thức thì khoản tiền BHXH một lần cũng vô cùng quan trọng.
"Tôi đang chưa biết là có thể quay lại thị trường lao động trong khu vực chính thức hay không. Nếu tiếp tục tham gia BHXH thì thời gian để hưởng lương hưu còn quá xa" - chị Lê Thị Hoạt chia sẻ.
Chính vì vậy, đề xuất giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu khiến chị Lê Thị Hoạt cân nhắc việc có nên rút BHXH một lần vào thời điểm hiện tại.
Phương án hợp lý
Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn lao động Hà Nội, cho biết: "Việc đề xuất giảm thời gian đóng BHXH còn 10 hay 15 năm là phương án rất tốt dành cho người lao động. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay".
Tuy nhiên, ông Tạ Văn Dưỡng cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH sẽ tác động nhiều đến người lao động. Khi thời gian tham gia BHXH ít do giảm số năm, thì tích lũy ít khiến lương hưu của những người lao động có thu nhập thấp như lao động phổ thông sẽ không đủ để trang trải cho cuộc sống.
"Về lâu dài, cần một chính sách về BHXH có tính chất ổn định, ít thay đổi để tạo niềm tin lâu dài cho người lao động. Đồng thời cải cách về thủ tục hành chính, thuận tiện hóa phục vụ người lao động. Không ít người lao động không nắm được các quy định dẫn đến việc bỏ qua hoặc mất chế độ" - ông Tạ Văn Dưỡng cho biết thêm.
Được biết, đề xuất về sửa đổi Luật BHXH năm 2014 đã được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ xem xét.
Trong các đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH có đề nghị sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Đồng thời, dự thảo sửa đổi còn quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với trường hợp công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động...