Facebook là mạng xã hội (MXH) được nhiều người sử dụng nhất nhưng không phải ai cũng biết đây là kênh thông tin quan trọng để nhà tuyển dụng "soi" ứng viên. Trong thực tế, nhiều ứng viên có hồ sơ xin việc khá hoành tráng nhưng lại đánh mất cơ hội việc làm vì Facebook.

Mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng

Bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nguyễn Thị Lan (27 tuổi, quê Tây Ninh) chạy ngược xuôi tìm việc làm.

Có kinh nghiệm làm kế toán kho 5 năm và được đánh giá là người năng động nên khi ứng tuyển vào vị trí tương tự tại một công ty vận tải có trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP HCM, chị Lan vượt qua vòng hồ sơ, phỏng vấn với trưởng bộ phận. Lan tự tin mình sẽ được chọn bởi các "đối thủ" ít kinh nghiệm hơn.

Đến vòng phỏng vấn trực tiếp với giám đốc công ty, Lan tự tin thể hiện kinh nghiệm bản thân cũng như khả năng giao tiếp. Đến cuối buổi phỏng vấn, giám đốc công ty bày tỏ hài lòng về kiến thức lẫn kinh nghiệm của chị.

Soi ứng viên qua Facebook - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Mạng xã hội quyết định một phần cơ hội việc làm của ứng viên

 

Tuy nhiên, ông này đề nghị trưởng phòng nhân sự công ty xin tài khoản Facebook của Lan để tìm hiểu thêm. "Dù bất ngờ với việc đó nhưng tôi vẫn cho chị trưởng phòng nhân sự kết nối trang cá nhân. Sau đó, tôi được chị ấy trao đổi thêm vài vấn đề rồi kêu về chờ kết quả" - Lan nói.

Về nhà, Lan vẫn tự tin mình sẽ được tuyển. Chờ cả tuần mới thấy email của công ty thông báo kết quả và đó là một tin không vui với chị. Qua trao đổi với trưởng phòng nhân sự, Lan mới biết rằng chính những gì đăng tải trên trang Facebook cá nhân khiến chị mất đi cơ hội việc làm của mình.

"Tìm hiểu thêm, tôi mới biết gần như ứng viên nào cũng bị "soi" Facebook, mục đích là để tìm hiểu tính cách, quan điểm sống. Giám đốc công ty đánh giá cao chuyên môn của tôi nhưng lại không hài lòng về tính cách qua cách viết status (dòng trạng thái) trên Facebook" - Lan kể.

Ông Hắc Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hai Bốn Giờ (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho rằng Facebook là nơi người dùng thể hiện một phần tính cách, suy nghĩ của bản thân. Hay nói cách khác, chỉ cần nhìn vào những gì trang cá nhân đăng tải cũng sẽ hiểu được phần nào bản tính của một người.

Chính vì vậy, ngày nay, đa phần các nhà tuyển dụng đều thông qua Facebook để đánh giá ứng viên. Đây được xem là một kênh quan trọng để nhà tuyển dụng quyết định chọn hay không chọn ứng viên đó.

Xây dựng thương hiệu cá nhân

Ông Hoàng chia sẻ khi nhà tuyển dụng truy cập vào trang cá nhân của ứng viên, điều mà họ nhìn thấy đầu tiên chính là ảnh đại diện và hình nền. Hãy đầu tư vào "vị trí" này bằng cách lựa chọn những bức ảnh đẹp, chuyên nghiệp. Đương nhiên, điều này không đồng nghĩa với những tấm hình áo vest, giày tây nghiêm túc.

Các nhà tuyển dụng khuyên ứng viên nên “khoe” trường đã học, kinh nghiệm đã làm ngay trên hồ sơ trang cá nhân để nhà tuyển dụng dễ dàng nhận ra. Chia sẻ một chút về công việc, góc nhìn cá nhân về sự nghiệp cũng là một cách để bạn xây dựng thương hiệu cá nhân của mình đối với nhà tuyển dụng!

Chỉ cần một thần thái tươi tắn, rạng ngời hay một màu ảnh sáng sủa cũng sẽ dễ dàng để lại thiện cảm trong cảm nhận của người khác. "Ứng viên nên lưu ý rằng hình ảnh đại diện trên trang cá nhân của bạn nên là của chính bạn, không nên thay bằng ảnh người khác. Nhà tuyển dụng rất có thể sẽ đánh giá bạn là người quá khép kín, chưa chuyên nghiệp và như thế bạn đã mất điểm" - ông Hoàng lưu ý.

Cũng theo ông Hoàng, không ít người đã đánh mất cơ hội làm việc tại môi trường mình thích chỉ vì chưa biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng xã hội này. Nếu không muốn rơi vào tình huống này, cách tốt nhất chính là sử dụng Facebook cá nhân một cách hữu ích cho sự nghiệp.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng trực tuyến, bà Phạm Lan Khanh, CEO FreelancerViet, khẳng định Facebook nói riêng và MXH nói chung rất quan trọng trong tiến trình tuyển dụng hiện nay.

Vì thế, kể cả việc bạn đang có việc làm hay đi tìm việc, hãy học cách xây dựng hình ảnh của mình trên MXH trở thành thương hiệu cá nhân của mình.

"Tính cách của một người liên quan chặt chẽ đến tác phong làm việc, vì vậy nhà tuyển dụng rất quan tâm đến nội dung ứng viên thể hiện trên Facebook để tìm hiểu cá tính ứng viên. Nhà tuyển dụng sẽ không vội vàng đánh giá ứng viên chỉ thông qua một bức ảnh hay một dòng trạng thái, mà họ sẽ đánh giá một cách toàn diện qua những bình luận, quan điểm của bạn về điều tốt, điều xấu, về những khi bạn lạc quan hay chán nản, qua kiến thức bạn thể hiện và cả những gì người khác nhận xét về bạn trên mạng xã hội" - CEO FreelancerViet nói.

Bà Khanh cũng khuyên ứng viên nên biết chọn chế độ người xem cho mỗi dòng trạng thái, hãy chọn bạn bè, người thân hay chỉ một mình với những dòng trạng thái thể hiện quá mạnh về cảm xúc của mình.

Hãy "trang trí" Facebook của mình sao cho thật "tỏa sáng" trước khi công khai nó với nhà tuyển dụng.

Theo G.Nam

Người Lao động