Chị Võ Thị Thanh Lan làm việc tại Công ty TNHH May thêu Giày An Phước (TPHCM) là mẹ đơn thân. Hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn khi con trai đầu vừa học hết lớp 9 bị tật nguyền, cháu thứ hai đang học lớp một. Với đồng lương ít ỏi 7 triệu/tháng, phải chật vật, tằn tiện lắm, ba mẹ con chị mới tồn tại được ở thành phố.
15 năm mưu sinh ở TPHCM, chị Lan đều ở trọ tại huyện Hóc Môn vì tiền phòng rẻ, dù nơi ở cách công ty khoảng 40 phút đạp xe. Gần 15 năm qua, mỗi ngày, sau khi chở con đến trường, chị lại tất bật đến công ty bằng xe đạp để tiết kiệm chi phí.
Chỉ tính riêng tiền học của các con cũng tốn hết hơn 2 triệu đồng/tháng; tiền phòng trọ 2,5 triệu. Như vậy, chưa kể tiền ăn uống, các khoản tiền cố định đã gần hết số tiền lương chị được trả.
"Tôi làm 14 năm tại công ty, lương cơ bản là 5,6 triệu đồng, tháng nào tăng ca 12 tiếng/ngày và có tiền năng suất thì thu nhập cũng được khoảng 8 - 9 triệu. Mức thu nhập như vậy cũng chỉ đủ để tôi trang trải cuộc sống của ba mẹ con", chị Lan cho hay.
Chưa kể, tại thời điểm dịch bệnh, không đi làm được, ba mẹ con phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền, công đoàn. Khó khăn nhất chính là khi ba mẹ con chị là F0, tiền tiết kiệm tiêu hết sạch. Gia đình ngoại ở xa, cũng nghèo nên không giúp được mẹ con chị ở trong nam. Nghĩ thương mình, thương con, chị chỉ biết khóc.
"Đã hơn 2 năm nay lương tối thiểu vùng chưa tăng, chúng tôi mong chờ từng ngày. Hôm vừa rồi, trong lúc nghỉ giải lao ăn cơm, mấy anh chị trong công ty tôi có nói sắp được tăng lương tối thiểu, tôi mừng lắm. Bây giờ, tăng lương được đồng nào là đỡ cho mẹ con tôi đồng ấy. Giá cả thực phẩm lên cao, mà đồng lương mình vẫn vậy, cực lắm", chị Lan bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Thanh (43 tuổi, quê Nghệ An) đang làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức, TPHCM) cũng khấp khởi mừng khi nghe tin sắp được tăng lương tối thiểu. Chị Thanh là công nhân may gần 20 năm nay, mức lương cơ bản chỉ hơn 5,5 triệu đồng/tháng.
Thời điểm này công ty nhiều đơn hàng nên chị đăng ký tăng ca. Thông thường, 16h30 đã tan làm nhưng gần một tháng nay, chị Thanh tăng ca đến 18h, 19h mới về phòng trọ.
Chị Thanh ở một mình, nhưng phải gửi tiền về nuôi mẹ già ở quê. Thời buổi "bão giá" như hiện nay, phải tiết kiệm lắm chị Thanh mới có đồng dư. Tính sơ sơ tiền thuê trọ, điện, nước mỗi tháng là 1,6 triệu đồng; tiền ăn uống, sinh hoạt khoảng 3 triệu đồng; một số chi phí khác khoảng 1 triệu đồng. Như vậy đã hết số lương cơ bản chị nhận được.
"Tôi phải tăng ca thì mới có tiền dư gửi về nuôi mẹ già ở quê. Sắp tới được tăng lương tối thiểu vùng, công nhân chúng tôi cũng đỡ được phần nào. Hiện nay, xóm trọ tôi đa số là công nhân, đều phải tăng ca đến 19h, có người làm đến 20h tối thì mới đủ tiền nuôi gia đình, con cái ăn học", chị Thanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn lao động TPHCM cho biết, Công đoàn thành phố triển khai các điểm phúc lợi đoàn viên ngay tại khu nhà trọ người lao động. Tại đây, người lao động sẽ được mua hàng hóa giá bình ổn, phù hợp với thu nhập.
Ngoài ra, các cấp Công đoàn TPHCM triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ người lao động thời buổi khó khăn. Công đoàn cũng thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về việc làm, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, phụ cấp độc hại…