Tại tỉnh Bình Dương, theo thống kê có khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm, 28.000 lao động bị cắt hợp đồng, hơn 70.000 lao động nộp hồ sơ hưởng BHXH 1 lần. Những con số này cho thấy bức tranh về thị trường lao động tại địa phương.
Xoay xở đủ kiểu
Rời quê Bình Định vào Bình Dương lập nghiệp được hơn 1 năm, anh Nguyễn Minh Hiếu (22 tuổi) gặp không ít khó khăn khi liên tiếp hết dịch bệnh lại đến bị giảm giờ làm, trong khi phải nuôi em gái ăn học thay cho cha mẹ.
Công nhân mất việc được tư vấn việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương
Hiếu làm công nhân (CN) một công ty gỗ tại thị xã Tân Uyên. Nhiều tháng nay, do công ty không có đơn hàng nên anh chỉ đi làm 4 ngày/tuần, còn 3 ngày cuối tuần thì phụ quán cơm. Công việc dù vất vả nhưng bù lại thu nhập đủ để Hiếu lo cho bản thân và em gái. Anh Trần Anh Phương (36 tuổi, quê Quảng Bình), CN một công ty ở KCN Việt Nam - Singapore I (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), cho biết từ đầu năm đến nay do chỉ làm 3 ngày/tuần nên thu nhập rất thấp, chỉ từ 5-6 triệu đồng/tháng. Tình hình ở công ty của vợ anh cũng không khá hơn. Tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng anh chỉ hơn 10 triệu đồng trong khi 2 con đang vào tuổi ăn học, rồi tiền nhà trọ, các khoản hiếu hỷ…
"Nhiều lúc tôi phải vay mượn bạn bè, hàng xóm, chờ đến khi lãnh lương thì trả lại. Tình trạng này kéo dài nhiều tháng khiến vợ chồng rất mệt mỏi" - anh Phương nói. Để cải thiện thu nhập, vợ chồng anh quyết định vay vốn từ Tổ chức Tài chính vi mô CEP để mở quầy buôn bán áo quần ở chợ đêm. Công việc kinh doanh làm vợ chồng anh Phương lúc nào cũng bận rộn, sức khỏe vì thế giảm sút nhưng bù lại, mỗi tháng kiếm thêm được 4-5 triệu đồng.
Vào Bình Dương làm CN đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi, quê Ninh Bình), CN một công ty gỗ ở thị xã Tân Uyên, rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay. "Trước đây, mỗi tuần tôi tăng ca ít nhất 3 ngày, có khi đơn hàng nhiều, công ty còn yêu cầu CN tăng ca cả tuần. Nhưng từ đầu năm đến nay, công ty liên tục gặp khó khăn nên CN phải nghỉ 3 ngày/tuần. Nghỉ nhiều thì thu nhập cũng giảm, nên tôi xin đi rửa chén ở các nhà hàng vào cuối tuần" - chị Hoa bộc bạch. Thu nhập từ công việc này chỉ đủ giúp chị trả tiền trọ và điện nước hằng tháng.
Bảo đảm quyền lợi người lao động
Trước tình trạng một số doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn phải giảm giờ làm, bố trí người lao động (NLĐ) nghỉ luân phiên hoặc thỏa thuận với NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh khẩn trương thực hiện các biện pháp để hỗ trợ DN và NLĐ.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ cũng như ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2022, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN, LĐLĐ tỉnh, Công an tỉnh, BHXH tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các DN bảo đảm thực hiện đúng quy định về trả lương ngừng việc, không để NLĐ bức xúc dẫn đến tranh chấp lao động tập thể - đình công.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành tăng cường kết nối cung - cầu lao động, thông qua việc giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ; tổ chức tốt việc tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho NLĐ theo nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn, hạn chế thấp nhất tình trạng NLĐ bị thất nghiệp. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và nhắc nhở DN trên địa bàn thực hiện đúng các chế độ liên quan đến chính sách lao động, BHXH cho NLĐ.
"UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương và Ban Quản lý các KCN tỉnh phải tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để tạo điều kiện cho các DN có thêm đơn hàng sản xuất, tạo việc làm cho NLĐ. Bên cạnh đó, thống kê, rà soát tình hình lao động ở các DN trong khu, cụm công nghiệp để có hướng điều tiết các DN đang cắt giảm lao động sang các DN vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng" - ông Minh cho biết.
UBND tỉnh cũng lưu ý LĐLĐ tỉnh khẩn trương chỉ đạo Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó có các biện pháp hỗ trợ, chăm lo đời sống cho họ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Hạn chế tối đa việc chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng với công nhân
Trước tình trạng khó khăn của NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của DN để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. "Công đoàn tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động, duy trì nhiều nhất việc làm cho NLĐ, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động" - ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lưu ý.