Tại buổi đối thoại, hai bên đã dành thời gian đánh giá nhanh tình hình triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ trong những năm vừa qua cũng như dự kiến kế hoạch hoạt động giữa hai Bộ trong thời gian tới.
Hoàn thiện chính sách về lao động
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, việc nối lại Đối thoại lao động định kỳ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng, giúp hai bên chia sẻ thông tin về tình hình lao động, các hoạt động hợp tác và cùng nhau đề xuất các định hướng giải pháp thúc đẩy lao động - việc làm, an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều biến động.
Cùng với đó, Thứ trưởng Thanh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan đơn vị trong và ngoài bộ khẳng định, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực trong xây dựng chính sách về lao động.
Đơn cử như Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 (Bộ luật Lao động 2019) với 17 chương, 220 điều. Bộ luật này đã có các định hướng, đồng thời là những nội dung sửa đổi lớn về thể chế, phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đưa ra những bảo vệ và trao quyền tự chủ cho các bên quan hệ lao động tự quyết định các vấn đề cụ thể về tiền lương và các điều kiện lao động khác thông qua đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể.
Bộ luật Lao động 2019 cũng cho thấy sự phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản gồm: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động; bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động; bảo vệ lao động chưa thành niên...
Đặc biệt, Bộ luật Lao động 2019 lần đầu tiên đã quy định một chương riêng - Chương XIII - về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (từ Điều 170 đến Điều 178).
Các quy định về tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp trong Bộ luật Lao động 2019 là những vấn đề lớn, mang tính nguyên tắc, cốt lõi để đáp ứng yêu cầu xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ, phát triển kinh tế xã hội đất nước phù hợp với quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam, nhất là các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…
Về các Công ước của ILO, Thứ trưởng Thanh cho biết, hiện nay Việt Nam đã tham gia cơ bản, chỉ còn Công ước 87. Qua các Công ước mà Việt Nam tham gia, Việt Nam đã nội Luật hóa bằng các Luật, đặc biệt là Bộ Luật Lao động năm 2019.
Đối với về vấn đề trẻ em và bình đẳng giới, hiện Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Qua buổi đối thoại hôm nay, ông Thanh hi vọng hai bên sẽ hiểu hơn các chính sách của Việt Nam về lao động việc làm, trẻ em, bình đẳng giới và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chia sẻ thông tin về tình hình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về lao động trẻ em, bao gồm các nỗ lực giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của trẻ em trong đại dịch, công tác chăm sóc người khuyết tật.
Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam
Bà Thea Lee, Phụ trách các vấn đề lao động quốc tế của Bộ Lao động Hoa Kỳ, tin tưởng rằng việc nối lại Đối thoại lao động Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Bà Thea Lea cũng cung cấp thông tin hữu ích về vấn đề an toàn vệ sinh lao động, vấn đề nền kinh tế số, góp phần giúp Việt Nam có thêm căn cứ định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng cho người lao động; tìm hiểu tình hình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về lao động trẻ em, bao gồm các nỗ lực giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của trẻ em trong đại dịch, công tác chăm sóc người khuyết tật ở Việt Nam...
Phó Thứ trưởng phụ trách các vấn đề lao động quốc tế của Bộ Lao động Hoa Kỳ, cho biết nước này ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực chung của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt trong các nội dung phía Hoa Kỳ quan tâm bao gồm việc gia nhập các Công ước, vấn đề lao động trẻ em.
Bà Thea Lea cho rằng, trong tương lai, hai bên sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác trong việc tăng cường vấn đề về lao động trẻ em, tuân thủ các tiêu chuẩn lao động, cam kết lao động quốc tế như thế nào trong thực hiện các điều khoản trong Công ước bảo vệ lao động trẻ em.
Lý giải nguyên nhân việc ban hành Nghị định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết, Nghị định có nhiều nội dung có ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đối với người lao động và cộng đồng doanh nghiệp nên cần được tham vấn một cách rộng rãi, thực chất với các đối tượng chịu tác động trực tiếp này.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020-2021, do tác động nặng nề của dịch Covid-19 nên quá trình tham vấn doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn.
Thêm nữa, đây là Nghị định có nhiều nội dung mới, phức tạp, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam nên cần có quá trình nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng sao cho vừa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm và trình độ phát triển của quan hệ lao động của Việt Nam…
Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan để hoàn tất quy trình tham vấn nội bộ và các thủ tục theo quy định để trình Chính phủ ban hành Nghị định trong thời gian sớm nhất, dự kiến đầu năm 2023.