Hơn 240.000 lao động thiếu việc
Thông tin trên được ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu tại cuộc họp báo cung cấp thông tin bảng xếp hạng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động 2022.
Theo thống kê ban đầu của Công đoàn, hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm sản xuất hoặc phải chờ đơn hàng.
Ông Hải cho biết, thống kê trên chưa đầy đủ do tình trạng cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm đang diễn ra diện rộng. Lao động thiếu việc chủ yếu trong doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ.
Những doanh nghiệp mới thành lập, tài chính còn non và sức chịu đựng kém trước đại dịch, lại chịu ảnh hưởng bối cảnh thế giới, nên phải cắt giảm lao động, nhất là những người mới ký hợp đồng. Theo ông Hải, đây cũng là quyết định bất đắc dĩ của doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng khó khăn.
Lý giải nguyên nhân công nhân thiếu việc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới, nhiều thị trường nước ngoài dự báo sức mua lớn, năng lực chi trả cao, nhưng nay không được như kỳ vọng dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng.
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực gỗ, dệt may, da giày bị giới hạn về đơn hàng. Đây là trường hợp bất khả kháng của các doanh nghiệp khi vừa hồi phục sau đại dịch Covid-19, người lao động bắt đầu quay trở lại làm việc.
Doanh nghiệp kì vọng người lao động sẽ tăng ca để tạo ra được sản lượng, chất lượng tốt hơn bù đắp thời kì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên tình hình nghỉ việc hiện xảy ra diện rộng, lực lượng người lao động bị chi phối từ những đơn hàng. Đặc biệt, khó khăn này rơi đúng vào giai đoạn cuối năm, chuẩn bị đón Tết của dân tộc.
"Tâm lý chung của người lao động, ai cũng mong muốn cả một năm nỗ lực được chăm lo tốt vào dịp Tết. Các doanh nghiệp hiện nay đang rất nỗ lực, dù chưa tìm được đơn hàng vẫn cố gắng bố trí việc làm cho lao động với mong muốn giữ chân, giúp họ có thu nhập cần thiết để vượt qua giai đoạn khó khăn", ông Phòng cho biết.
Ngăn chặn tình trạng ngừng việc tập thể
Lo ngại tình trạng thiếu việc diễn ra mạnh vào cuối năm, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đôn đốc công đoàn cơ sở có giải pháp bảo vệ người lao động, tránh dẫn đến tranh chấp, ngừng việc tập thể.
Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hết phép năm 2022 cho người lao động và tiếp tục ứng phép năm 2023 với mong muốn góp phần giữ chân người lao động.
Các cấp công đoàn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với người sử dụng lao động để bảo đảm chế độ, chính sách đầy đủ và tốt nhất dành cho người lao động theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn phải phối hợp với nhau để giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là ở các lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng. Động viên người lao động trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và có nhiều biến động như hiện nay chịu khó học tập để có khả năng chủ động ứng phó với những khó khăn có thể diễn ra trong thời gian sắp tới.
Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị, các cấp công đoàn phải hết sức lưu tâm đến những hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn trường hợp cả hai vợ chồng đều mất việc dịp cuối năm, để có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời.
"Chí ít, phải cố gắng giữ cho một người có việc làm để mỗi gia đình đều có điểm tựa vượt qua khó khăn", ông Hải nhấn mạnh.