Sáng 14/11, thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 202-2025, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, khu vực phía Bắc.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện đến từ 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Tại hội nghị, đại diện Cục việc làm giới thiệu về Tiểu dự án 3, thuộc Dự án 4 về hỗ trợ việc làm bền vững.
Tiểu dự án 3 hướng tới việc cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Tối thiểu 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Dự kiến, tổng vốn đầu tư thực hiện tiểu dự án khoảng 2.610 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.950 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 550 tỷ đồng và nguồn huy động khác khoảng 110 tỷ đồng.
Theo đại diện Cục Việc làm, trong quá trình triển khai dự án, một số vấn đề cần được tổ chức, triển khai thực hiện như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin, tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; thu thập, phân tích dự báo thị trường lao động và hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho người lao động.
Nội dung dự án cũng nêu rõ, mỗi người lao động tìm được việc làm thành công (có giao kết hợp đồng lao động) sẽ được hỗ trợ định mức tối đa 400.000 đồng. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã ban hành giá dịch vụ giới thiệu việc làm thì được thực hiện theo giá cụ thể áp dụng tại các Trung tâm dịch vụ việc làm.
Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý lao động nước ngoài cũng có bài phát biểu giới thiệu về tiểu dự án 2, thuộc dự án số 4 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tiểu dự án 2 nhằm đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nội dung dự án triển khai hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, lĩnh vực lao động việc làm hiện nay là một trong những lĩnh vực sôi động.
Theo ông Bình, hiện nay nghị quyết của Chính phủ về phát triển thị trường lao động đang chuẩn bị được ban hành.
"Chưa bao giờ chúng ta có một hội nghị phát triển thị trường lao động mà có nghị quyết của Chính phủ như hiện nay. Cục Việc làm sẽ hết sức cố gắng để tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để đưa vào những nội dung hết sức mới", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình mong muốn các lãnh đạo Sở, các trung tâm, phòng việc làm cần xây dựng kế hoạch triển khai cho tỉnh ban hành. Bên cạnh đó, Cục Việc làm sẵn sàng phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch. Phải làm sao, kế hoạch bám sát nghị quyết để tạo sự đồng thuận chỉ đạo từ trên xuống dưới.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại diện của 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc sẽ có những thảo luận, đưa ý kiến, giải đáp các khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.