Sáng 14-6, Ban Quản lý Khu Kinh tế Tỉnh Long An phối hợp cùng ManPowerGroup Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giữ chân người lao động sau đại dịch Covid-19". Ông Phạm Anh Thắng, Phó chánh văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết tác động của đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn lan rộng đến cả doanh nghiệp trong khía cạnh lao động, việc làm.
Trong quý I-2022, thị trường việc làm đã ghi nhận sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành sản xuất, chế biến, chế tạo như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ… và một số ngành đang có nhu cầu phát triển mạnh như công nghệ, công nghệ thông tin".
Người lao động cần có mức lương cạnh tranh và chăm sóc sức khỏe về tinh thần
Đại dịch Covid-19, với tiền lệ chưa từng có đã gây những xáo trộn lớn cho thị trường lao động, ảnh hưởng sâu sắc đến doanh nghiệp và người lao động cả nước. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý I-2022, cả nước vẫn còn hơn 16,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Một khảo sát khác được thực hiện giữa ManPowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học, Lao động- Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) năm 2021 cũng hé lộ 1/5 doanh nghiệp (21%) ngành sản xuất và chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nước ngoài hiện cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tuyển dụng số lượng nhân lực có kỹ năng phù hợp.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Theo khảo sát của ManpowerGroup Việt Nam thực hiện 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp tại Long An đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong quản trị nhân sự. Gần 40% nhà tuyển dụng cho biết họ không thể tuyển dụng đủ số lượng lao động như mong muốn, 31% chia sẻ mức lương và phúc lợi họ mang đến cho người lao động chưa đủ cạnh tranh và khoảng 1/3 doanh nghiệp (32%) thừa nhận tỉ lệ nghỉ việc ở doanh nghiệp rất cao.
Để giữ chân người lao động sau đại dịch, bà Đặng Thị Hải Hà, Nhà sáng lập Respect Việt Nam & Weatwork.co, cho rằng phúc lợi cho người lao động không chỉ là tài chính (tiền) mà còn phi tài chính. Người lao động muốn trả lương cạnh tranh hơn, thời gian linh hoạt hơn, thời gian dành cho gia đình nhiều hơn. Do vậy, doanh nghiệp cần gia tăng và cung cấp đa dạng các phúc lợi trong chiến lược nhân sự của mình.
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo
Còn theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn nhân sự ManPowerGroup Việt Nam, để thu hút người lao động doanh nghiệp cần phải có lương thưởng cạnh tranh dựa trên hiệu suất lao động. Đây là điều cơ bản giúp người lao động yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chăm sóc về sức khỏe tinh thần như môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo, khuyến khích người lao động phát huy tối đa tiềm năng bản thân, tự hào khi được sát cánh với những người lãnh đạo tận tâm, tự tin đồng hành cùng tổ chức lâu dài. Người lao động cũng cần chăm lo về thể chất như khuyến khích họ tăng cường hoạt động thể chất, thể dục thể thao ngay chính tại nơi làm việc.