Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lao động tại TP HCM trong quý I/2022 có thu nhập bình quân mỗi tháng 8,9 triệu đồng, cao nhất nước. Song các doanh nghiệp (DN) ở TP HCM vẫn khó tuyển nhân sự. Theo khảo sát của trang Việc Làm Tốt, hơn 1.300 công nhân (CN) khi được hỏi, trên 60% cho biết muốn đổi nghề, bắt đầu tìm việc ở những nhóm ngành khác. CN có xu hướng tìm các công việc linh hoạt về thời gian như việc làm trực tuyến, gia công tại nhà, bán hàng, tài xế, giao hàng...
Lương cao vẫn khó tuyển
Đăng tin tuyển dụng khắp các website, mạng xã hội, nhờ người lao động (NLĐ) trong công ty giới thiệu, thậm chí cho nhân viên đi phát - dán tờ rơi khắp nơi nhưng nhiều DN vẫn chưa tuyển đủ lao động để thực hiện các đơn hàng đã ký.
Tình cảnh này diễn ra phổ biến ở các DN dệt may, da giày. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty CP Dệt may - Đầu tư và Thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết DN đang có nhu cầu tuyển cả ngàn lao động nhưng số lượng đăng ký dự tuyển không như kỳ vọng. Ông Tuấn cho rằng các vị trí việc làm của ngành dệt may, da giày không còn hấp dẫn với NLĐ. Dù điều kiện tuyển dụng khá đơn giản, thu nhập theo cam kết cũng khá hơn nhưng NLĐ vẫn không mặn mà.
"Chi phí sinh hoạt ở các đô thị đang tăng mạnh khiến CN với mức lương 8-9 triệu đồng khó có thể bám trụ. Họ có xu hướng chuyển về quê tuy có thu nhập thấp hơn nhưng dễ sống hơn nhiều. Điều này khiến các DN dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn về tuyển dụng" - ông Tuấn phân tích.
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho thấy bình quân mỗi năm, ngành dệt may và da giày có nhu cầu tuyển mới từ 20.000-22.000 lao động. Tuy nhiên, ghi nhận qua các năm gần đây, nhu cầu tìm việc của lao động ngành này giảm rất nhiều, mỗi năm chỉ khoảng hơn 1.000 người. Điều đó cho thấy ngành dệt may và da giày đang đối diện với tình trạng khan hiếm lao động đến mức đáng báo động.
Nếu ở ngành dệt may, da giày được đánh giá là do mức lương không đủ hấp dẫn NLĐ nên khó tuyển dụng thì nhiều ngành nghề khác có mức lương rất cao, thậm chí cao gấp đôi, vẫn tìm không ra người làm. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho hay hằng năm DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 200 CN với mức thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng.
Mặc dù mức lương này đã nhỉnh hơn so với mặt bằng chung nhưng vẫn khó tuyển dụng. "Bình quân mỗi tháng công ty sẽ tuyển dụng được thêm từ 40-50 người, song nhân sự mới chưa kịp lành nghề thì nhân sự cũ lại nghỉ việc hết 2/3 nên DN luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự" - ông Hùng thông tin.
Công nhân làm việc tại xưởng của Công ty CP Cơ khí Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM). Ảnh: HUỲNH NHƯ
Cần coi trọng yếu tố con người
Là DN sử dụng hơn 2.000 NLĐ nhưng nhiều năm qua, Công ty CP Sài Gòn Food (huyện Bình Chánh, TP HCM) có biến động về nhân sự nhưng không đáng kể.
Bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự công ty, cho biết DN có riêng một chương trình mang tên "Nối vòng tay lớn" nhằm khuyến khích cán bộ, nhân viên giới thiệu người thân, bạn bè vào làm việc. Người thân quen, đồng hương sẽ giúp mối quan hệ gắn bó bền chặt, từ đó sẽ giúp NLĐ gắn bó lâu dài với công ty. "Chúng tôi xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, cơ hội thăng tiến chia đều cho tất cả mọi người. Ai có ý chí vươn lên đều được công ty tạo điều kiện tối đa để phát triển. Vì sự công bằng, minh bạch và trọng dụng người tài như vậy nên nhiều năm qua biến động nhân sự của DN là rất ít. Đây chính là chìa khóa để chúng tôi phát triển ổn định trong nhiều năm liền" - bà Oanh cho biết.
Theo bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Navigos Group, có nhiều cách làm hay để giữ chân NLĐ, hạn chế nhân viên nghỉ việc. Bước đầu tiên, DN nên đánh giá người quản lý. Nhiều người chọn cách nghỉ việc vì "chán" cách quản lý trong công ty. NLĐ sẽ muốn gắn bó nếu họ gặp quản lý tốt. Bước tiếp theo là xây dựng văn hóa DN. Ở bất cứ DN nào, NLĐ cũng mong muốn được ghi nhận công sức của mình một cách xứng đáng. Vì vậy, hãy trân trọng những đóng góp của họ, khích lệ họ bằng nhiều hình thức cụ thể.
Một khảo sát mới đây cho thấy có trên 80% NLĐ muốn nhảy việc nếu công ty không mang lại cơ hội phát triển cá nhân. Vì vậy, việc tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng là bước quan trọng để NLĐ cảm nhận được cơ hội phấn đấu. Để đạt được điều này, nơi làm việc cần có sự giao tiếp mở, tinh thần hợp tác và bầu không khí tin tưởng. Bên cạnh đó, đầu tư mạnh vào việc đào tạo, phát triển và khích lệ NLĐ để giúp họ cải thiện kỹ năng, tăng giá trị bản thân và vỗ về lòng tự tôn của họ. Đó là những vấn đề cốt lõi mà nhiều DN đã áp dụng thành công và độ ổn định nhân sự đã chứng minh điều đó.
"Các DN nghiêm túc trong việc giữ chân NLĐ thường coi trọng yếu tố con người, thiết lập các chính sách và chương trình phù hợp để giảm bớt tình trạng biến động nhân sự. Những DN thành công trong duy trì sự ổn định nhân sự sẽ có lợi thế hơn cả trong việc đáp ứng các mục tiêu kinh doanh lẫn tuyển dụng những người mới" - bà Linh nói.
<grammarly-extension data-grammarly-shadow-root="true"></grammarly-extension><grammarly-extension data-grammarly-shadow-root="true"></grammarly-extension>
Để tìm kiếm nguồn nhân sự, công ty đã thử qua nhiều giải pháp, trong đó có chính sách thưởng 300.000 đồng cho người giới thiệu CN mới. Tuy nhiên, chưa bao giờ việc tuyển dụng nhân sự gặp thuận lợi".
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Thương mại Đại Dũng