Đó là nhận định của các đại biểu tham dự tọa đàm "Tăng hiệu quả kết nối đào tạo với tuyển dụng" do Báo Người Lao Động tổ chức vào ngày 9-11. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cùng 6 trường đại học và 6 doanh nghiệp (DN) tuyển dụng. Các ý kiến tại buổi tọa đàm nhằm giải quyết những tồn đọng của thị trường lao động hiện nay, đồng thời làm sáng tỏ những vấn đề hai phía đào tạo lẫn tuyển dụng quan tâm.

Lao động trẻ còn yếu kỹ năng

Báo cáo tổng quan về thị trường lao động 10 tháng vừa qua, TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố), cho biết thị trường lao động 10 tháng đầu năm 2022 chuyển biến tích cực. Trong những tháng cuối năm, thị trường lao động tiếp tục sôi động khi phần lớn DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết cùng với việc hoàn thành các đơn hàng trong năm. Dự kiến nhu cầu nhân lực 2 tháng cuối năm 2022, TP HCM cần khoảng 45.879 - 53.479 chỗ làm việc.

Bà Lương Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia, cho rằng thị trường lao động, việc làm đang có nhiều thay đổi. DN đòi hỏi ngày một cao về các tiêu chuẩn tuyển dụng. Ngoài chuyên môn, DN cần nhiều hơn ở người lao động (NLĐ) những kỹ năng cần thiết cho công việc, trong đó phải kể đến kỹ năng sử dụng tin học và các ứng dụng công nghệ mới. "Thực tế cho thấy nhiều DN gặp khó khăn khi NLĐ thiếu nhiều kỹ năng. NLĐ được đào tạo chuyên môn tốt nhưng lại khó bắt tay vào việc vì thiếu kỹ năng. Thêm nữa, thái độ làm việc của NLĐ cũng là vấn đề cần bàn. Nếu các trường đào tạo thêm cho sinh viên các kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, phong cách làm việc thì khi đi làm, NLĐ sẽ sớm bắt nhịp với công việc, DN vì thế cũng tiết kiệm được thời gian và tiền bạc vì không phải đào tạo lại" - bà Tú Anh nói.

Theo bà Tú Anh, hiện các DN cũng đang đối diện với thực trạng nhảy việc của lao động trẻ thuộc thế hệ gen Z. Đây là lực lượng lao động sẽ chiếm ưu thế ở các DN trong thời gian tới, họ trẻ, khỏe, năng động, linh hoạt. Tuy nhiên, lao động trẻ khá mơ hồ về mục tiêu sự nghiệp của mình, họ gần như không đặt ra mục tiêu 3 năm, 5 năm sắp tới sẽ như thế nào. Thiếu mục tiêu nghề nghiệp khiến lao động trẻ thiếu động lực trong công việc và họ nhảy việc nhiều hơn.

Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt, cho biết nhiều DN than phiền về việc tuyển không đủ nhân sự, tính gắn bó của nhân sự không cao. Lao động trẻ hiện nay có kiến thức nhưng năng lực làm việc còn hạn chế trong khi DN cần NLĐ làm được việc. Năng lực làm việc yếu là do nhóm kỹ năng thực tế của NLĐ thiếu rất nhiều, nhất là kỹ năng về công nghệ thông tin. "Việc bùng nổ của nhiều nhóm ngành nghề mới khiến nhiều bạn trẻ không muốn làm một công việc cố định ở DN, họ có xu hướng thích làm tự do. Đây cũng là hệ quả của việc không định hình được tương lai sự nghiệp của NLĐ" - bà Minh Ngọc nói.

Là DN hoạt động trong ngành cơ khí công nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty CP Cơ khí Xây dựng và Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM), khẳng định nếu không có sự hợp tác với các trường đào tạo, DN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động nguồn nhân lực. Nhiều năm qua, công ty chủ động kết nối và nhận được sự quan tâm của nhiều trường trong vấn đề đào tạo và tạo việc làm cho sinh viên (SV). Nhiều trường đưa SV năm thứ nhất, năm 2 đến Công ty CP Cơ khí Xây dựng và Thương mại Đại Dũng để kiến tập, làm quen với công việc, từ đó định hướng được nghề nghiệp của mình. "Tuy nhiên, để nhân sự thích nghi với công việc, Đại Dũng lập hẳn một bộ phận đào tạo chuyên trách. Bộ phận này có nhiệm vụ đào tạo thêm về chuyên môn, huấn luyện các kỹ năng nghề nghiệp và cả rèn luyện thái độ làm việc" - ông Hùng cho biết.

TĂNG HIỆU QUẢ KẾT NỐI ĐÀO TẠO VỚI TUYỂN DỤNG: Thắt chặt quan hệ nhà trường - doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TẤN THẠNH

 
 

Hướng nghiệp cho sinh viên

Ở góc độ trường đào tạo, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), khẳng định việc hợp tác với các DN trong đào tạo và tạo việc làm cho SV là hoạt động không thể thiếu trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Các DN mong muốn tuyển được nhân sự có trình độ, kỹ năng và gắn bó lâu dài với DN thì việc hợp tác với nhà trường sẽ cho kết quả như mong muốn. "Là đơn vị đào tạo, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của hướng nghiệp. Nếu người học chọn sai ngành sẽ dẫn đến việc ra trường đi làm sẽ khó phù hợp với công việc. Vì thế, ở Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), chúng tôi có các chuyên gia mà trường gọi là "chuyên gia nghề nghiệp học" sẽ giúp SV khám phá được khả năng của bản thân để định hình nghề nghiệp khi ra trường" - ông Thắng nói.

ThS Hồ Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm Hợp tác DN - Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), cho rằng mô hình đào tạo đa ngành theo hướng ứng dụng nên việc hợp tác sâu với DN là sứ mệnh của HUTECH. Ở HUTECH, việc SV ra trường có việc làm ngay luôn ở tỉ lệ rất cao nhưng nhà trường hướng đến việc SV có việc làm phù hợp và công việc phải tốt theo nhiều tiêu chí, từ thu nhập, mức độ hài lòng cho đến cơ hội thăng tiến. "HUTECH đặc biệt chú trọng đến hoạt động hợp tác với DN. Không đơn thuần là tìm chỗ cho SV thực tập hoặc tạo việc làm thông qua các ngày hội việc làm cho SV, chúng tôi thường xuyên mời chuyên gia đến nói chuyện nhằm tạo động lực cho SV chuyên ngành định hướng sự nghiệp. Ở HUTECH, SV năm 2, năm 3 đều trải qua học kỳ DN từ 4-6 tháng, đến năm cuối các em sẽ thực hành tại DN để khi tốt nghiệp hòa nhập công việc một cách nhanh chóng" - ông Sinh cho biết thêm.

Trong khi đó, TS Quách Thanh Hải, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, quan tâm đến việc đặt hàng đào tạo. TS Hải cho rằng DN muốn có đội ngũ lao động lành nghề, có trình độ phù hợp tiêu chí tuyển dụng thì chỉ có cách hợp tác chặt chẽ với nhà trường. Để có một thị trường việc làm bền vững, mối quan hệ giữa dự báo nhu cầu nhân lực - DN và nhà trường phải thông suốt, bền chặt và thiết thực. Các DN cần tạo điều kiện để SV được trải nghiệm nhiều hơn trong mọi hoạt động DN, qua đó SV sẽ định hình được công việc trong tương lai.

Chia sẻ với những khó khăn của DN khi tuyển SV mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết nhà trường đầu tư hàng trăm tỉ đồng trang bị thiết bị thực hành cho SV. Nhờ đó mà SV được DN đánh giá cao dù chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Bên cạnh đó, trường cũng đẩy mạnh việc tìm kiếm các DN lớn phù hợp với từng chuyên ngành mà nhà trường đang đào tạo để đưa SV đến vừa học vừa làm.

<grammarly-extension data-grammarly-shadow-root="true"></grammarly-extension><grammarly-extension data-grammarly-shadow-root="true"></grammarly-extension>

Ông DƯƠNG QUANG, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

Đưa sinh viên đến gần doanh nghiệp

Buổi tọa đàm chưa hẳn đã giải quyết những tồn đọng của thị trường lao động, việc làm nhưng đã làm sáng tỏ những vấn đề mà cả bên đào tạo và nhà tuyển dụng quan tâm. Đây là cơ sở để các DN, các trường đào tạo có cái nhìn sâu hơn về mối quan hệ khăng khít giữa công tác đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động. Thông qua tọa đàm lần này mới thấy DN đòi hỏi ngày một cao hơn ở NLĐ và cũng kỳ vọng nhiều hơn từ các cơ sở đào tạo nhân lực, trong khi các trường đang nỗ lực để đưa SV của mình đến gần hơn với DN - nơi họ sẽ làm việc trong tương lai.


Theo https://nld.com.vn