Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab; thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa phối hợp với Văn phòng Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam, Văn phòng Tổ chức Đào tạo nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động (NLĐ) EPS và thực tập sinh (TTS) IM Japan về nước. Hoạt động này mang đến cơ hội việc làm phù hợp cho NLĐ về nước và đây cũng là một trong những chính sách tích cực hỗ trợ họ.

Hài lòng khi được làm trong nước

Nhiều năm qua, Colab đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được 62 hội chợ và phiên giao dịch việc làm dành cho NLĐ từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Qua đó, kết nối việc làm thành công cho gần 3.100 người với các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đây là số lượng khá khiêm tốn so với hàng chục ngàn lao động về nước mỗi năm.

Hơn 5 năm làm việc trong ngành lắp ráp linh kiện ôtô tại Hàn Quốc, anh Lê Nhật Minh (30 tuổi, quê Tây Ninh) trở về nước từ cuối tháng 8-2022 với nhiều dự định, trong đó có mở một cơ sở nhỏ để kinh doanh. Để ba mẹ yên tâm, anh quyết định gửi hồ sơ cho một DN sản xuất - lắp ráp ôtô khá lớn vừa mở nhà máy tại tỉnh Ninh Bình để đi làm thêm vài năm "cho cứng cáp".

"Tôi nộp hồ sơ trực tuyến vào cuối tháng 9, một tuần sau đã có lịch phỏng vấn. Do ở xa nên tôi xin phỏng vấn online và công ty nhanh chóng nhận tôi vào làm việc đúng vị trí mà tôi đã quen việc bên Hàn Quốc. Tuy mức lương chưa tới phân nửa so với bên kia nhưng tôi khá hài lòng vì được làm việc ngay trên đất nước mình. Hằng tháng tôi dành 4 ngày nghỉ để bay về Tây Ninh thăm ba mẹ" - anh Minh bày tỏ.

Thêm cơ hội cho lao động hồi hương - Ảnh 1.

Thực tập sinh về nước được công ty phái cử chào đón và giới thiệu việc làm

Còn với đôi bạn Tạ Thị Thắm và Từ Ngọc Bích (đều 28 tuổi, quê Quảng Trị) chật vật hơn khi tìm kiếm công việc tại quê nhà. Cả Thắm và Bích đều có 3 năm làm TTS ngành đóng gói thực phẩm tại Nhật Bản, về nước từ giữa tháng 5-2022. Sau khi không thể tìm được việc ở quê, đầu tháng 9 vừa qua đôi bạn này vào TP HCM tìm đến công ty đã phái cử mình để tìm kiếm cơ hội việc làm.

"Chúng tôi được giới thiệu đến một công ty sản xuất thực phẩm ở huyện Bình Chánh và được nhận việc với mức lương 8 triệu đồng/tháng cho 2 tháng thử việc. Chúng tôi chấp nhận vì bản thân mới chỉ tốt nghiệp THPT. Nhưng sau 1 tháng làm việc, thấy năng suất và kỹ năng của chúng tôi vượt trội nên công ty đã ký hợp đồng lao động chính thức và tăng thêm 50% lương" - Bích nói. Công ty có nhiều đơn hàng xuất sang Nhật nên thỉnh thoảng có kỹ sư người Nhật ghé giám sát, vì vậy trình độ tiếng Nhật khá tốt của Bích và Thắm có "đất dụng võ". Hiện công ty muốn đào tạo 2 cựu TTS này để trực tiếp làm việc với kỹ sư người Nhật trong tương lai.

 
 

Cần quan tâm đúng mức

Ông Kim Jae Hyun, Giám đốc nhân sự Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Mart Việt Nam (quận 7, TP HCM), cho biết Lotte Mart Việt Nam có sự phát triển như ngày nay là nhờ vào đội ngũ nhân viên tài năng, trẻ trung, năng động và nhiệt huyết trong công việc, trong đó phần đông là người Việt.

Nói về những lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc về nước, ông Kim đánh giá cao lực lượng lao động này và cho rằng họ là những NLĐ có chất lượng tốt. "Họ có khả năng giao tiếp tiếng Hàn vượt trội, kỹ năng, tác phong làm việc nhanh nhẹn và chịu được áp lực do họ đã rèn luyện nhiều năm tại Hàn Quốc. Đáng tiếc là Lotte Mart Việt Nam ít có được nhân sự này dù rất nỗ lực tìm kiếm" - ông Kim nói.

Ông Ogawa Minoru, Giám đốc Công ty TNHH Lead Giken Việt Nam (tỉnh Long An), cho hay chính các TTS về nước là nguồn lực quan trọng giúp công ty ông mở rộng sản xuất và cho ra những sản phẩm cơ khí chính xác xuất khẩu đi nhiều nước. Ông Ogawa cho rằng các TTS Việt Nam có năng lực làm việc xuất sắc, họ ham học hỏi và luôn muốn tạo ra giá trị công việc từ đôi tay, kỹ năng của mình. Ngành cơ khí chính xác không thể một sớm một chiều mà có được độ tinh xảo như các nghệ nhân làm hàng chục năm được. Nhưng với các TTS Việt Nam, thời gian tới họ sẽ tạo được tiếng vang cho ngành.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), NLĐ trở về nước có nhiều sự lựa chọn cho công việc và sự nghiệp. Nhiều người với kiến thức, kinh nghiệm và khoản tài chính tích lũy được đã khởi nghiệp thành công, làm giàu cho bản thân và tạo thêm công ăn việc làm cho người thân, bạn bè. Nhưng cũng có không ít NLĐ về nước khó tìm được công việc như ý muốn; các kênh kết nối việc làm dành cho họ vẫn còn hạn chế, trong khi lực lượng này khá đông đảo.

"Lao động từ nước ngoài về nước sẽ góp phần thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp đang phát triển tại Việt Nam, nhất là ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, hiện mức thu nhập, chế độ đãi ngộ dành cho họ chưa tương xứng và quan tâm đúng mức" - ông Trung nhìn nhận.

 
Theo https://nld.com.vn