Không lớn như những vụ ngừng việc tập thể để đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc…, một số người lao động và cả một số doanh nghiệp (DN) chỉ vì những lợi ích nhỏ nhưng không tìm được tiếng nói chung cũng mau chóng "chia tay" nhau. Đó là những "cơn sóng ngầm" trên thị trường việc làm của những lao động trí thức trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy việc làm bền vững hay giữ chân nhân tài luôn là thách thức với cả người lao động lẫn DN.

Cá nhân hóa công việc

Với sự phát triển của công nghệ, các DN chuyển đổi số mạnh mẽ dẫn đến hình thức làm việc cũng thay đổi nhanh chóng. Lao động trí thức trẻ - những người làm việc chủ yếu trên không gian số - luôn muốn làm việc trong môi trường mở, linh hoạt, phù hợp tính cách năng động của họ. Họ muốn làm việc từ xa hơn là đến văn phòng - được cho là nhàm chán.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đa số công ty đã mở cửa đón nhân viên quay lại làm việc. Song, anh Vũ Ngọc Tới (26 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM), kỹ sư lập trình, vẫn chưa đặt chân đến công ty. Nhiều lần bộ phận nhân sự gọi Tới đến để ký một số giấy tờ liên quan lương, thưởng nhưng anh vẫn chưa đi.

Lý giải về việc này, Tới nói: "Tôi làm việc từ xa khi dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 đến nay. Tôi vẫn luôn hoàn thành công việc mà chưa bị bất cứ điều tiếng gì liên quan hiệu quả công việc. Lương, thưởng công ty vẫn chuyển qua tài khoản không thiếu đồng nào. Vậy tại sao tôi phải lên công ty, lên để làm gì?".

Thiết kế mô hình làm việc linh hoạt, hiệu quả - Ảnh 1.

Làm việc linh hoạt sẽ là xu hướng của nhiều doanh nghiệp sau quá trình chuyển đổi số

Tới là một trong gần 30 kỹ sư lập trình đang làm việc cho một công ty công nghệ giáo dục có trụ sở tại quận 1, TP HCM. Theo bà Nguyễn Thị Ngân, người phụ trách nhân sự của công ty này, DN vẫn duy trì làm việc từ xa kết hợp làm việc tại văn phòng. Riêng kỹ sư có thể làm hoàn toàn từ xa nhưng khi có yêu cầu vẫn phải đến công ty. Tuy nhiên, nhiều kỹ sư trẻ không đến làm việc tại văn phòng vì gò bó, ngại di chuyển và không thích họp trực tiếp.

"Đó là tính cách làm việc của nhiều người trẻ trong môi trường công việc được số hóa tiên tiến hiện nay. Từ đầu năm đến nay, 3 kỹ sư đã xin nghỉ vì không muốn đến công ty làm việc" - bà Ngân băn khoăn.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thúy Ánh (30 tuổi, ngụ quận 6) - quản lý nhân sự cho một công ty sản xuất, gia công cơ khí lớn tại quận Bình Tân, TP HCM - cho biết chị chọn nghỉ việc khi DN không thay đổi cách tính thu nhập và bố trí nhân sự theo kiểu "gia đình trị". Bảng lương mà công ty đang áp dụng được soạn thảo từ trước thời điểm chị vào làm việc và đến nay chưa một lần điều chỉnh. Trong khi đó, những vị trí quản lý mà người nhà của ban giám đốc đảm trách thì hưởng mức thu nhập vượt khung quy định rất cao. Còn những nhân sự quản lý khác không phải người nhà ban giám đốc thì vẫn hưởng mức lương như cũ dù công việc nhiều hơn.

"Tôi làm ở đây được 8 năm và không hề muốn nghỉ việc. Tôi đã nhiều lần trình lên ban giám đốc thang - bảng lương mới để phù hợp với từng vị trí công việc và mức sống của người lao động. Sau nhiều lần không tìm được tiếng nói chung, tôi xin nghỉ việc để tìm chỗ làm mới. Ở đây, động lực làm việc của tôi đã không còn" - chị Ánh giải thích.

Hóa giải cách nào?

Trao đổi về chủ đề này, bà Nguyễn Thị Nam Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhân sự, cho rằng ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19, cùng với sự xuất hiện của thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) trong lực lượng lao động đã tạo nên những xu hướng mới trong quản trị nhân sự.

Theo bà Phương, ngày nay, nhiều DN đòi hỏi sự năng động, đa dạng và cần những lãnh đạo trẻ hoặc những mô hình lãnh đạo mới nhằm bắt kịp con đường số hóa để tăng tốc phát triển. Nhiều công ty đã xóa nhòa ranh giới của các cấp bậc quản lý truyền thống, trao quyền cho nhân viên nhiều hơn để tạo những hạt giống lãnh đạo mới thúc đẩy được DN thay đổi cho phù hợp với kỷ nguyên số.

Các chuyên gia nhân sự nhìn nhận khi DN chuyển đổi số, quản trị nhân sự trở thành người dẫn đầu trong tổ chức số hóa ấy, phát triển nguồn nhân lực thế hệ mới, áp dụng công nghệ để thay đổi cách mọi người làm việc và liên kết với nhau trong công việc. Người làm công việc nhân sự hiện nay được cho là rất quan trọng khi trở thành người hóa giải các khúc mắc giữa DN và người lao động. Quy trình tuyển dụng nhân sự, quy trình làm việc cũng thay đổi theo chiều hướng linh hoạt. Những quy định cứng nhắc có thể là nguyên nhân dẫn đến các cuộc "chia tay" đáng tiếc.

Mô hình làm việc kết hợp: Nhiều tiện lợi

Sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều DN đã mạnh dạn áp dụng mô hình Hybrid Working (làm việc kết hợp). Với mô hình này, nhân viên có thể chủ động lựa chọn làm việc tại bất cứ nơi đâu và chỉ đến văn phòng khi cần thiết. Cách vận hành này khiến nhân viên có thể lựa chọn khung giờ làm việc đạt hiệu suất tốt nhất với mình.

Không chỉ tiện lợi cho nhân viên, Hybrid Working còn mang lại lợi ích cho DN bởi có thể giảm tới 30% chi phí vận hành. Mô hình Hybrid Working cho thấy yếu tố tự do, linh hoạt cùng xu hướng chuyển đổi cách làm việc không giới hạn thời gian, không gian có thể là giải pháp mới để thu hút những lao động chuyên nghiệp và giữ chân nhân tài.

 
Theo https://nld.com.vn