Tại Việt Nam, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và nước ngoài. Trước thực trạng này, chiều 29-6, Trường ĐH Văn Hiến cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Cung và cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Á: Thách thức và giải pháp đối với TP HCM", dưới sự bảo trợ truyền thông của Báo Người Lao Động.

Khơi thông điểm nghẽn

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tìm ra những phương hướng, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng lao động của các quốc gia tại thị trường Đông Á.

Tại đây, ông Đặng Đức Long, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế - Ban Kinh tế Trung ương, chia sẻ trong bối cảnh thị trường lao động thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ, Việt Nam cần xây dựng chiến lược mới trong việc đưa người lao động, chuyên gia sang nước ngoài làm việc với những yêu cầu mới.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, thông tin hiện nay thành phố có trên 300.000 doanh nghiệp, trong đó có 67 công ty và 45 chi nhánh hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2012-2021, thành phố có 103.541 người đi làm ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, lao động Việt Nam còn hạn chế về chất lượng lao động nên sức cạnh tranh, thu nhập không cao.

Tìm hướng đi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh 1.

TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu tại hội thảo chiều 29-6 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Phạm Anh Thắng, Phó chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, ở Việt Nam có khoảng 116.000 doanh nghiệp, trong đó chỉ có hơn 500 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài, khoảng 0,4% nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số kiều hối chuyển về hằng năm là trên 3 tỉ USD với hơn 100.000 người đi lao động nước ngoài. Dù vậy, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở TP HCM là không nhiều, trên thực tế, người dân thành phố ít đi xuất khẩu lao động.

Thời gian gần đây, nguồn thu nhập giữa TP HCM và một số thị trường lao động ở các nước khác không còn chênh lệch nhiều, không thu hút được người lao động. Điều này dẫn đến hệ lụy giá trị về xuất khẩu lao động của TP HCM không cao. Vì vậy, ông Thắng cho rằng TP HCM cần chú trọng đưa nguồn nhân lực chất lượng cao đi xuất khẩu lao động. "Ở các nước giàu họ vẫn xuất khẩu lao động, chỉ khác là họ đưa kỹ thuật viên, chuyên gia có trình độ cao đi làm ở nước ngoài. Do đó, giá trị chất lượng lao động của họ cao" - ông Thắng nói.

Nói thêm về vấn đề này, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở TP HCM và cả nước đang bị nghẽn. Dù có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động nhưng "điểm nghẽn" lại chính là chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%; chỉ số kỹ năng, chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn cách xa với các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Tỉ lệ người lao động được đào tạo trình độ ĐH trở lên làm việc tại vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ CĐ trở xuống tăng nhanh trong 10 năm, từ 12% lên 15%.

 
 

"Cần khơi thông điểm nghẽn sớm, với những giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong yêu cầu mới của thị trường. Trong đó, phải gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông" - ông Tuân đề xuất.

Hợp tác đào tạo chặt chẽ

Theo ông Tô Đình Tuân, một trong những giải pháp lâu dài là đào tạo nguồn nhân lực tốt, ông Tuân khẳng định các loại hình giáo dục sau phổ thông trung học cần được đa dạng hóa, trong đó có các chương trình ĐH không bằng cấp. Ngoài ra, rút ngắn khoảng cách về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của người lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn.

"Quan trọng hơn, cần xây dựng hành lang pháp lý, các cơ chế, chính sách để khuyến khích tổ chức đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước tham gia đào tạo nghề" - ông Tuân nói.

Đồng quan điểm, ông Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, khẳng định việc đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực đang là vấn đề mang tính cấp bách để bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Cơ sở đào tạo cần mở rộng quan hệ với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc thử trong môi trường thực tế. Khảo sát định kỳ nhu cầu nghề nghiệp của xã hội, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, giáo trình tập huấn, đào tạo sát với thực tế. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, máy móc thiết bị phục vụ cho việc đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho rằng giữa các địa phương, cơ sở đào tạo, công ty, xí nghiệp, nhà máy cần có sự phối hợp với nhau trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động - người lao động - doanh nghiệp trong nước có vốn đầu tư nước ngoài, ngay sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài về có thể tiếp tục làm trong những doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. 

Trường đại học, cao đẳng là trụ cột

Đại diện Công ty Xuất khẩu lao động Akane cho biết trong thời gian qua, 80% nguồn nhân lực công ty đưa đi là chất lượng cao, chủ yếu đã tốt nghiệp hệ CĐ, ĐH. Ngoài có thêm thu nhập, nhân lực chất lượng cao là người có đủ nhận thức để học tập công nghệ, kỹ thuật ở nước khác về phục vụ cho đất nước. Để đào tạo được nhân lực chất lượng cao, trụ cột chính là các trường CĐ và ĐH. Đồng thời, phải có sự phối kết hợp từ sớm giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, trước khi các em ra trường mới đủ thời gian để học ngoại ngữ, kỹ năng.

Theo https://nld.com.vn