Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong 05 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2022, toàn ngành đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và một lần cho trên 8.100 người lao động, con số này trong 3 tháng đầu năm 2023 là 1.700 người.
Ngoài việc chi trả chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Năm 2022, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, số chi này là 269 triệu đồng.
Thực tế, dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người lao động. Khi không may bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp phải nghỉ làm, hầu hết người lao động không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo “gánh nặng” tài chính cho cả gia đình.
Vì vậy, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhờ có Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm, hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đóng góp vào quỹ.
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động, vì vậy khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, người lao động hãy chắc chắn người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho mình. Như vậy mới có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong quá trình làm việc.