Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ là Nghị định đầu tiên ghi nhận mức lương tối thiểu giờ, theo đó mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động, hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Đây là cơ sở thỏa thuận để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề như: nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cà phê, thức ăn nhanh, phục vụ tiệc cưới,... làm căn cứ thực hiện trả lương theo giờ cho người lao động.

Tại TP.HCM, báo cáo về việc thực hiện lương tối thiểu giờ trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, việc sử dụng lao động theo giờ giúp doanh nghiệp có sự linh họat về nhân sự.

Theo đó, doanh nghiệp có thể tăng lượng công nhân khi tới mùa cao điểm và giảm bớt nhân sự khi đã qua giai đoạn cao điểm. Tuyển dụng lao động theo giờ có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc tuyển dụng lao động lâu dài.

Thay vì việc phải trả lương theo tháng thì với lao động theo giờ chỉ cần trả lương theo giờ làm việc. Hơn nữa, việc thuê lao động theo giờ sẽ hạn chế được các chi phí liên quan như bảo hiểm, ngày nghỉ, lễ Tết, ốm đau,...

Mặt khác, lao động theo giờ thường làm việc trong thời gian ngắn hạn, gấp rút và hiệu quả công việc được đánh giá trên chỉ tiêu, con số. Vì vậy, họ sẽ tập trung làm việc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc cho doanh nghiệp; giúp nhà tuyển dụng đánh giá mức độ phù hợp trong công việc của họ và không cần cam kết.

Ngoài ra, nếu lao động đó làm tốt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể giữ họ lại làm việc lâu dài hoặc đảm đương một vị trí trống trong thời gian doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự cố định. 

Việc bổ sung lao động theo giờ cũng có thể giúp hỗ trợ cho các nhân viên cố định không làm thêm giờ quá nhiều, hoặc làm thêm do sự thiếu hụt lao động không đảm bảo được tiến độ công việc.

Qua tổng hợp báo cáo, hầu hết các doanh nghiệp và người lao động đồng ý với mức lương tối thiểu giờ mà Chính phủ ban hành (do cách tính lương tối thiểu giờ trên cơ sở lương tối thiểu tháng chia cho ngày công bình quân tháng trên 8 giờ làm việc trong một ngày). Vì vậy dễ dàng thực hiện và không có vướng mắc từ phía người lao động cũng như doanh nghiệp.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng đã tổ chức khảo sát nhanh tại 12 doanh nghiệp thường xuyên sử dụng người lao động trả lương theo giờ như: Khách sạn Equatorial TP.HCM; Khách sạn Novotel Saigon Centre; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn; Công ty Cổ phần Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên; Công ty Trách nhiệm hữu hạn King Coffee; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sáu Cua; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khách sạn - Massage V1; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà hàng giải trí KingTon; Công ty Cổ phần Thương mại QSR Việt Nam; Công ty Cổ phần Pizza Ngon; Công ty Cổ phần Kem An Minh; Công ty Cổ phần Aka House.

Mức lương theo giờ một số công việc tại TP.HCM. 
Mức lương theo giờ một số công việc tại TP.HCM. 

Mặc dù vậy, việc thực hiện mức lương tối thiểu giờ cũng có những khó khăn. Đơn cử, đối với người lao động làm công việc trả lương theo giờ, do phải thường xuyên làm một công việc mới trong một môi trường mới, thời gian gắn bó không đủ dài nên người lao động khó nắm bắt được hết quy trình làm việc. Điều này có thể khiến năng suất lao động không đạt được như mong đợi. 

Bên cạnh đó, khi nhân viên làm việc trả lương theo giờ làm việc cùng với nhân viên cố định, với cùng một công việc trong cùng một khoảng thời gian, nhưng lại không nhận được những lợi ích tương tự. Điều này có thể dẫn tới phát sinh mâu thuẫn.     

Người lao động làm việc theo giờ thường chỉ thuê trong một thời điểm, không có sự cam kết lâu dài với doanh nghiệp. Vì vậy, việc tuân thủ nội quy, kỷ luật nơi làm việc còn chưa đảm bảo.

Liên quan đến việc thực hiện lương tối thiểu giờ, gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một số địa phương cũng đánh giá các doanh nghiệp hầu như không áp dụng trả lương tối thiểu theo giờ, mà chỉ áp dụng với các công việc bán thời gian. 

Tại Bình Phước, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua rà soát, hầu hết các doanh nghiệp không áp dụng trả lương theo giờ. Một số doanh nghiệp thực hiện chủ yếu đối với hoạt động mang tính thời vụ, dịch vụ hoặc có tính chất đặc thù.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Phước đánh giá, nhìn chung, việc quy định lương tối thiểu giờ hiện nay dựa trên nguyên tắc lấy mức tuyệt đối của lương tối thiểu theo vùng (như vùng I là 22.500đ/giờ, vùng II là 20.000đ/giờ, vùng III là 17.500đ/giờ, vùng IV là 15.600đ/giờ) chia cho số ngày và số giờ làm việc tiêu chuẩn là chưa phù hợp thực tế.

Bởi, lương tối thiểu theo tháng là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường (Điều 91 Bộ luật Lao động 2019). Trong khi người lao động làm việc theo giờ thường có đặc điểm chung là tính chất đa dạng về công việc và phức tạp về cường độ, năng suất lao động, trình độ, kỹ năng lao động và điều kiện lao động...

Hơn nữa, mức lương tối thiểu theo giờ hiện hành chưa bao gồm cả việc trả lương cho người lao động làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu. Do vậy tiền lương tối thiểu giờ theo quy định hiện hành chưa phản ánh và tính toán đầy đủ các yếu tố trên.

Tại Thái Bình, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đối với lương tối thiểu theo giờ hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không áp dụng. Lương tối thiểu theo giờ được áp dụng chủ yếu cho nhân viên phục vụ trong các loại hình kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, quán ăn, quán giải khát, cà phê) thuộc nhóm lao động làm công việc bán thời gian, không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản.

Mức lương giờ phổ biến được trả cho người lao động từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/giờ.

 
Theo Nhật Dương (Báo VnEconomy)