Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, dẫn đầu vừa có các buổi làm việc với LĐLĐ TP HCM và các LĐLĐ tỉnh, thành phía Nam để đánh giá tình hình thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII. Nhiều vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn như kết nạp đoàn viên là người nước ngoài, bảo vệ cán bộ Công đoàn hay việc bãi nhiệm, miễn nhiệm với chủ tịch, phó chủ tịch Công đoàn cơ sở... đã được thảo luận, mổ xẻ và đề xuất bổ sung vào Điều lệ Công đoàn.

Cán bộ Công đoàn phải có uy tín

Một trong những vấn đề được nhiều cán bộ Công đoàn đặt ra tại các buổi làm việc là xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở bản lĩnh, có tiếng nói với cả giới chủ lẫn người lao động (NLĐ).

Theo bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân), hiện cán bộ Công đoàn cơ sở đều kiêm nhiệm, hưởng lương của doanh nghiệp (DN), do đó khi thương lượng, rất khó có tiếng nói mạnh mẽ trước giới chủ.

Nhiều đề xuất bổ sung vào Điều lệ Công đoàn - Ảnh 1.Ông Hồ Văn Trung (giữa), Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SX - TM dây và cáp điện Đại Long (huyện Bình Chánh, TP HCM), là một cán bộ Công đoàn uy tín, bản lĩnh Ảnh: CAO HƯỜNG
 

Từ thực tế đó, bà Kha cho rằng cần bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài có đông lao động để nâng cao vai trò, tiếng nói của Công đoàn. Phân tích thêm, bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết cán bộ Công đoàn cơ sở chịu áp lực rất lớn, phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu hoạt động Công đoàn đi ngược với lợi ích của giới chủ.

Trong khi đó, chính sách, cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn chưa phát huy hiệu quả, các biện pháp chế tài trong việc xử lý DN vi phạm Luật Công đoàn chưa được thực hiện nghiêm. Điều này tác động không nhỏ đến việc phát huy vai trò của cán bộ Công đoàn cơ sở. Từ thực tế ấy, bà Thúy cho rằng Điều lệ cần bổ sung cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn để họ yên tâm cống hiến. Bên cạnh cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn, nhiều ý kiến đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam nên xem xét lại chế độ phụ cấp dành cho cán bộ Công đoàn cơ sở để khích lệ, động viên họ.

Mở rộng đối tượng tập hợp

Nhiều vấn đề về công tác tổ chức cũng như tập hợp đoàn viên gia nhập Công đoàn cơ sở cũng được đưa ra thảo luận kỹ. Trong đó có vấn đề kết nạp đoàn viên là lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài và lao động người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam.

Bà Phạm Thị Hồng Yến, đại diện Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ Cao, TP Thủ Đức), cho rằng Bộ Luật Lao động hiện hành không còn phân biệt giữa NLĐ Việt Nam hay nước ngoài, những lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia tất cả các chế độ BHXH, BHYT... vậy nên chăng tổ chức Công đoàn tạo điều kiện để họ được tham gia vào Công đoàn.

 

Bà Yến phân tích trong tất cả các vấn đề cần trưng cầu ý kiến NLĐ thì những lao động người nước ngoài cũng là một trong những đối tượng tham gia góp ý, họ cũng làm việc hết mình và cần được chăm lo, bảo vệ. Nếu tổ chức Công đoàn không tạo điều kiện để họ gia nhập thì khi các tổ chức khác ra đời, họ sẽ là một trong những nhóm đối tượng được mời gọi gia nhập.

Vấn đề mà bà Yến nêu ra được nhiều đại biểu đồng tình bởi khi đất nước hội nhập sâu rộng, việc các DN sử dụng lao động người nước ngoài trở nên phổ biến, do vậy, việc tập hợp họ vào tổ chức Công đoàn cần được xem xét thấu đáo để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cũng về vấn đề tập hợp đoàn viên, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần bổ sung vào Điều lệ đối tượng kết nạp là NLĐ đã nghỉ hưu được cơ quan, đơn vị tiếp tục ký hợp đồng lao động khi họ có nguyện vọng gắn bó với tổ chức Công đoàn. Đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành và Công đoàn ngành trung ương cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa Công đoàn ngành và địa phương để tránh chồng chéo và nâng cao hiệu quả quản lý.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng về mặt tổ chức, cần đổi mới theo hướng công nhân ở đâu, Công đoàn ở đó để thuận lợi trong quản lý, nắm bắt tình hình, nhất là khi tham gia giải quyết tranh chấp lao động và tổ chức các hoạt động chăm lo. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần nghiên cứu thành lập mô hình Công đoàn ngành, nghề, bởi việc này sẽ tạo thuận lợi cho việc ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, từ đó bảo đảm thu nhập và nâng cao phúc lợi cho NLĐ.

Ông TRẦN VĂN THUẬT - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Tập hợp, phát triển đoàn viên

Nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ Công đoàn có tâm huyết, bản lĩnh cùng các cơ chế hoạt động phù hợp. Trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của tổ chức Công đoàn cũng như ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi điều lệ cho phù hợp và đồng bộ với các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới. Sau 2 năm dịch bệnh, nhiều ngành nghề đang tái cấu trúc. Do đó, trước mắt, các cấp Công đoàn cần tập trung khảo sát, nắm bắt tình hình lao động ở các loại hình kinh tế để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên.

 
Theo https://nld.com.vn