Nguyên nhân của các việc ngừng việc tập thể được nhận định là do người lao động trải qua thời gian khó khăn, giảm sút tích lũy, thu nhập. Các mặt hàng thiết yếu tăng cao, trong khi việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu bị gián đoạn 2 năm. Ngoài ra, một số cuộc ngừng việc tập thể do chậm chi trả chế độ hỗ trợ Covid-19 theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh các doanh nghiệp nhận thức rõ tính bức thiết với người lao động, đã thực hiện tăng lương tối thiểu, một số doanh nghiệp mặc dù sản xuất kinh doanh tăng trưởng nhưng vẫn lợi dụng tình hình chung, không tăng hoặc kéo giảm các phúc lợi đã thỏa thuận, dẫn đến bức xúc.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 11 diễn ra sáng nay (13/7) tại Hà Nội, để giải quyết các bức xúc của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải thông tin, các cấp công đoàn chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Tổng liên đoàn tập trung tuyên truyền tới người lao động, người sử dụng lao động đồng hành, chia sẻ khó khăn.

Nửa đầu năm 2022, tình trạng ngừng việc tập thể có phần gia tăng - 1

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải nêu những giải pháp hạn chế tình trạng người lao động dừng việc tập thể.

Theo ông Hải, trong 6 tháng đầu năm đã có 99,07%  đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 61,82% đơn vị tổ chức hội nghị người lao động; 67,5% tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại định kỳ; sửa đổi, bổ sung 7.043 bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); ký mới 1.701 bản TƯLĐTT, tăng 781 bản so với cùng kỳ năm 2021, đạt 77,6% chỉ tiêu năm.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã hỗ trợ thương lượng, ký kết thỏa ước nhóm doanh nghiệp, thỏa ước ngành; đề xuất thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh bữa ăn giữa ca tại 3.814 đơn vị, doanh nghiệp, đạt 151,9% chỉ tiêu giao. Các địa phương đã thực hiện 44.288 cuộc tư vấn pháp luật cho 119.600 lượt lao động; hỗ trợ, đại diện 319 vụ tranh chấp lao động cá nhân, giúp người lao động nhận được số tiền gần 900 triệu đồng.

Dù đã tích cực giải quyết các vướng mắt của người lao động nhưng Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn chỉ ra nhiều hạn chế như công tác nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động còn chậm. Công tác tuyên truyền, vận động người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn còn gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở một số đơn vị chưa kịp thời, số vụ ngừng việc tập thể tăng.

Nửa đầu năm 2022, tình trạng ngừng việc tập thể có phần gia tăng - 2

Số đoàn viên giảm mạnh (354.627 đoàn viên), số lượng mới bổ sung không đủ bù.

Đáng chú ý theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển tăng thêm đoàn viên còn thấp, tình trạng "phát triển âm đoàn viên" diễn ra ở nhiều đơn vị. Số đoàn viên giảm mạnh (354.627 đoàn viên) trong khi số lượng mới bố sung chỉ ở mức 247.289 đoàn viên, đạt 31,7% chỉ tiêu.

Định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật đề xuất 11 nội dung định hướng lớn sửa đổi, bổ sung điều lệ Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, các nội dung ghi trong Điều lệ đã ổn định, đang phát huy tác dụng, phù hợp với hoạt động của công đoàn các cấp và sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước sẽ được giữ nguyên. Chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong thực tiễn hoặc chưa được quy định trong Điều lệ. Ngoài ra, cần nghiên cứu chọn lọc những vấn đề đã chín muồi trong Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam để bổ sung vào Điều lệ.

Nửa đầu năm 2022, tình trạng ngừng việc tập thể có phần gia tăng - 3

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị.

Cũng theo ông Thuật, những vấn đề mới hoặc còn ý kiến khác nhau sẽ giao cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch quy định tại Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam để có thể xem xét điều chỉnh khi cần thiết. Nghiên cứu điều chỉnh kết cấu, bố cục Điều lệ Công đoàn Việt Nam đảm bảo chặt chẽ, khoa học phù hợp với yêu cầu của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.

"Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quy định của pháp luật, phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết tham gia đã được nội luật hóa, phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam", Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nói.

 
Theo https://dantri.com.vn