Người lao động tìm việc sau khi về nước tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Người lao động tìm việc sau khi về nước tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Trở về nước sau 4 năm làm việc tại Hàn Quốc nhưng đến nay sau gần 4 tháng chị Nguyễn Thị Thủy (Quốc Oai, Hà Nội) vẫn chưa tìm được công việc ưng ý. “Sang Hàn Quốc tôi làm trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, trừ chi phí mỗi tháng vẫn còn tích lũy được từ 20 đến 30 triệu đồng nhưng khi về nước để tìm được công việc mình đã làm rất khó. Dù tôi có vốn ngoại ngữ tiếng Hàn nhưng rất khó để xin cho mình đúng nghề đã làm ở bên Hàn. Đi làm nghề khác thì phải học nghề trong khi đó mức thu nhập cũng chỉ dao động từ 7 đến 10 triệu đồng” - chị Thủy giãi bày.

Chia sẻ của chị Thủy cũng là nỗi niềm chung của nhiều lao động sau thời gian làm việc ở nước ngoài nhưng khi về nước vẫn phải long đong tìm một việc làm phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc làm cho lao động xuất khẩu cho thấy, họ có thể kiếm được mức lương cao hơn 2 - 3 lần so với những người ở quê nhà. Sau khi về nước, người lao động (NLĐ) gặp khó khăn khi tái hòa nhập vào thị trường lao động. Một trong số những thách thức lớn là mức lương thấp so với công việc tương tự hoặc tương đương họ đã thực hiện ở nước ngoài, ngay cả đối với cùng một công ty mẹ.

Để tận dụng nguồn nhân lực hậu xuất khẩu lao động, ngành chức năng cũng như địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm kết nối cũng như tạo điều kiện. Tuy nhiên, thực tế số lao động có việc làm phù hợp sau về nước vẫn còn rất khiêm tốn. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động bỏ trốn bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài gia tăng bất chấp những biện pháp quyết liệt từ các địa phương.

Từ góc độ doanh nghiệp (DN), đề cập về giải pháp tạo việc làm cho NLĐ sau khi về nước, ông Nguyễn Thành Kính - Chủ tịch EK Group cho rằng cần trang bị cho người lao động vốn kiến thức, ngôn ngữ thông qua quá trình đào tạo bài bản. DN cần liên kết với các trường đào tạo nghề, tạo cơ hội cho NLĐ vừa làm, vừa học từ xa và được cấp bằng trung cấp, cao đẳng sau khi về nước. Ông Kính cũng cho biết, EK Group đã xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ NLĐ khi làm việc tại Nhật Bản được học nghề. Theo đó, DN phối hợp với trường nghề, tạo điều kiện cho NLĐ được học chương trình trung cấp, cao đẳng nghề hệ đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo từ xa trong quá trình làm việc tại nước ngoài. NLĐ tham gia học sẽ được hỗ trợ 100% học phí.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống NLĐ và gia đình. Lực lượng lao động này khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Do vậy, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được sử dụng có hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu này bên cạnh việc kết nối cung - cầu giới thiệu việc làm, Bộ LĐTBXH sẽ đẩy mạnh các chương trình đào tạo nghề cho lao động về nước, từ đó giúp NLĐ có được việc làm ổn định tại quê nhà.

Theo báo cáo nghiên cứu tổng thể thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam vừa được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước tìm được việc làm thấp nhất, chỉ 26,7%.

 
Theo Lê Minh Long (Báo Đại Đoàn Kết)